Sáng kiến kinh nghiệm Một số kinh nghiệm giúp học sinh thảo luận nhóm có hiệu quả trong giảng dạy môn Lịch sử và Địa lí 6 ở trường THCS Hựu Thành A
Là người giáo viên trực tiếp cầm phấn giảng dạy bộ môn Lịch sử, bản thân tôi rất băn khoăn về vấn đề học tập bộ môn này của các em. Làm thế nào để nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử là cả một vấn đề rất nan giải.
Từ đó đặt ra yêu cầu đối với cả người dạy và người học là: Trò thì hứng thú, say mê, Thầy thì thì phát huy được tính tích cực ở trò, phải khơi dậy được niềm đam mê ở trò. Trong quá trình giảng dạy tôi đã cố gắng học hỏi bạn bè, đồng nghiệp, đồng thời nghiên cứu về một số giải pháp nhằm tạo hứng thú học tập cho học sinh, góp phần nâng cao chất lượng dạy học ở bộ môn Lịch sử.
Ngày nay, khi khoa học kĩ thuật phát triển mạnh thì giáo dục còn có sứ mệnh giúp học sinh vận dụng kiến thức khoa học vào cuộc sống, đào tạo ra những con người biết làm việc trong môi trường hợp tác, hòa nhập quốc tế và công nghệ cao; hướng tới đào tạo người công dân toàn cầu.
Vì vậy trong quá trình giảng dạy của mình, tôi đã đúc rút ra một số kinh nghiệm giúp các em biết làm việc tập thể, biết hợp tác theo nhóm qua đề tài “Một số kinh nghiệm giúp học sinh thảo luận nhóm có hiệu quả trong giảng dạy môn Lịch sử và Địa lí 6 ở trường THCS Hựu Thành A”.
Tóm tắt nội dung tài liệu: Sáng kiến kinh nghiệm Một số kinh nghiệm giúp học sinh thảo luận nhóm có hiệu quả trong giảng dạy môn Lịch sử và Địa lí 6 ở trường THCS Hựu Thành A

giúp học sinh nắm bắt được những hình ảnh lịch sử cụ thể là rất khó, bên cạnh những lời nói sinh động đòi hỏi giáo viên phải cần phải lựa chọn các phương pháp giảng dạy phù hợp để đạt được hiệu quả cao trong việc truyền thụ kiến thức bộ môn. Đặc thù học tập môn lịch sử của bậc Trung học cơ sở là các em phải tiếp cận với nhiều sự kiện lịch sử, với những vị anh hùng, những danh nhân lịch sử vĩ đại không chỉ của dân tộc mà cả của thế giới từ cổ chí kim, từ cận đại đến hiện đại... Khi học lịch sử thì yêu cầu các em phải nhớ sự kiện và hiểu nội dung bài học một cách chính xác, đầy đủ. Bởi vậy khi học, buộc các em phải cần cù, chịu khó lĩnh hội kiến thức, thì mới thực sự đạt được kết quả cao. Vì những lý do nêu trên mà môn lịch sử khó gây được hứng thú học tập cho các em. Căn cứ vào tài liệu học tập và mục đích truyền thụ, người dạy phải đề ra những phương pháp ôn tập phù hợp với đối tượng học sinh giúp các em nắm bắt nhanh và lưu giữ tốt kiến thức lịch sử, biết nhận xét, đánh giá một sự kiện, một chân dung, một giai đoạn lịch sử... Tạo nên hứng thú trong quá trình chủ động lĩnh hội kiến thức của học sinh. Từ thực tiễn nêu trên, để học sinh tiếp thu nhanh, nhớ lâu, trong giảng dạy bộ môn lịch sử ở Trường Trung học cơ sở giáo viên phải phát huy được tính tích cực của học sinh. Từ đó tôi tiến hành nghiên cứu và đưa ra “Một số kinh nghiệm giúp học sinh thảo luận nhóm có hiệu quả trong giản dạy môn Lịch sử và Địa lí 6 ” 2. Cơ sở thực tiễn. - Theo kinh nghiệm và trong thực tế cho thấy: khi hoạt động cả lớp, có một số em không chú ý, nói chuyện hoặc làm việc riêng khi giáo viên gọi đến tên thì không biết trả lời về vấn đề gì. Chỉ có những học sinh khá, giỏi, tập trung nghe giảng thì thường hay phát biểu và trả lời câu hỏi dạn dĩ, lưu loát và chính xác nội dung yêu cầu. -Từ thực trạng nêu trên, tôi đã quyết định đưa ra phương pháp thảo luận nhóm trong một họăc hai tiểu mục của một tiết dạy, nhằm mục đích trong thảo luận tất cả các đối tượng học sinh đều có điều kiện tiếp thu kiến thức, nắm được kiến thức, thuộc bài tại lớp (học sinh ở dạng khá, giỏi) - Dạy học theo phương pháp thảo luận nhóm là hình thức tổ chức dạy học đề cao vai trò của sự hợp tác thông qua trao đổi giữa các thành viên trong nhóm trong các hoạt động tập thể, đề cao vai trò, tinh thần trách nhiệm, sự phối hợp của cá nhân đối với tập thể để đạt mục tiêu chung - Phương pháp thảo luận nhóm trong bài dạy lich sử trên lớp rất đa dạng: + Thảo luận một vấn đề học tập + Tranh luận về một nội dung học tập + Ôn tập, tổng kết kiến thức sau một số bài, chương + Thực hiện một bài tập, một nhiệm vụ học tập với bản đồ, tranh ảnh, hiện vật, sự kiện lịch sử + Tổng kết một hoạt động II NỘI DUNG. 1. Bản chất. Phương pháp thảo luận là phương pháp, trong đó giáo viên tổ chức đối thoại giữa học sinh và giáo viên hoặc giữa học sinh và học sinh nhằm huy động trí tuệ của tập thể để giải quyết một vấn đề do môn học đặt ra hoặc một vấn đề do thực tế cuộc sống đòi hỏi nhằm tìm hiểu hoặc đưa ra những giải pháp, những kiến nghị, những quan niệm mới Trong quá trình dạy học, giáo viên thường sử dụng cả 2 hình thức thaỏ luận sau: - Thảo luận theo nhóm: Học sinh làm việc thành từng nhóm khoảng từ 4-6 người một nhóm. Các nhóm có thể thảo luận những vấn đề khác nhau. Khi thảo luận trong nhóm, tất cả mọi người đều phải tham gia kể cả các em vốn ít nói, dè dặt đều có cơ hội trình bày ý kiến của mình. Sau khi đại diện các nhóm lên báo cáo, giáo viên sẽ là người tổng kết thảo luận. - Thảo luận cả lớp: được tiến hành để tăng số lượng học sinh tham gia, tăng giá trị nhận thức, thúc đẩy việc suy nghĩ có phê phán. Áp dụng hình thức này, giáo viên phải bao quát được toàn bộ lớp học, tránh tình trạng một số em ngồi chơi, gây mất trật tự trong lớp. 2. Quy trình chung. Bước 1: Chuẩn bị nội dung thảo luận Chọn nội dung thảo luận thích hợp với học sinh. Trước khi đưa ra vấn đề thảo luận, giáo viên phải nghiên cứu xem học sinh đã biết gì, cảm thấy gì, sẽ suy nghĩ gì về vấn đề này. Nếu có thể, giáo viên giao nhiệm vụ trước cho học sinh chuẩn bị ở nhà. Những nhiệm vụ này phải cụ thể, sát với nội dung thảo luận. Bước 2: Tiến hành thảo luận - Mở đầu thảo luận, giáo viên thông báo về vấn đề cần thảo luận, hình thức và cách thức thảo luận. - Giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận theo nhóm. Mỗi nhóm làm việc độc lập. - Đại diện nhóm đưa ra ý kiến của nhóm mình để thảo luận trước cả lớp. Trong quá trình học sinh thảo luận, giáo viên làm nhiệm vụ quan sát theo dõi, giúp đỡ khi cần thiếtvà khuyến khích sự tham gia của mỗi cá nhân học sinh. Bước 3: Tổng kết và đánh giá thảo luận. - Giáo viên hoặc học sinh tổng kết thảo luận và trình bày những ý kiến đã được thống nhất của tập thể học sinh. Sau cuộc thảo luận có thể kết thúc mở, tức là không nhất thiết phải đi tới việc xác định đúng hoặc sai. - Giáo viên đánh giá các ý kiến phát biểu, nhận xét về tinh thần thái độ làm việc chung của các nhóm, của cá nhân. 3. Một số lưu ý - Đối với học sinh lớp 6, giáo viên cần chọn vấn đề thảo luận hấp dẫn, gần gũi với cuộc sống của học sinh và cũng có thể có nhiều cách giải quyết khác nhau. - Giáo viên phải xác định rõ mục đích thảo luận để từ đó xác định nội dung, hình thức và thời điểm thảo luận cho phù hợp. - Khi thảo luận, không nên gò ép, áp đặt học sinh nói theo ý của giáo viên. Cần động viên các em mạnh dạn trình bày ý kiến, quan điểm riêng. Ý kiến của các em dù chưa đúng vẫn nên trân trọng và phân tích góp ý để các em đi tới được nhận thức đúng. III. MỘT SỐ GIẢI PHÁP CỤ THỂ. 1. Chuẩn bị. - Theo tôi đặc thù khối 6 ở Trường Trung học cơ sở Hựu Thành A thì mỗi lớp có 34 -36 bạn nên chia thành 8 nhóm, mỗi nhóm 2 bàn là 4 – 6 bạn học sinh (để tránh di chuyển nhiều tốn thời gian và ồn ào mất trật tự, chỉ 2 bàn quay mặt lại là được). - Mỗi nhóm phải có 2 bảng phụ, kích thuớc không nhỏ và cũng không quá to, quy định cỡ 60cm -80cm là vừa + bút lông xóa được, 1 cây màu đỏ và 1 cây màu xanh hoặc đen. - Giáo viên phân nhóm và có nhóm trưởng để điều hành chung và chuẩn bị dụng cụ cho tốt. 2. Cách thức hoạt động: * Đối với giáo viên. - Nghiên cứu bài học và lựa chọn nội thảo luận nhóm thường là nội dung có nhiều ý, nội dung trọng tâm, có tính tư duy mà học sinh nếu giải quyết độc lập sẽ gặp khó khăn. - Thiết kế hệ thống câu hỏi phù hợp mà sau khi trả lời hết hệ thống câu hỏi, học sinh sẽ giải quyết được vấn đề đặt ra. Chú ý câu hỏi phải từ dễ đến khó, các nội dung đặt ra phải gắn liền với học sinh mà học sinh bằng vốn kiến hức của mình hoặc dựa vào tài liệu, sách giáo khoa có thể trả lời được. - Để thảo luận có hiệu quả thì học sinh nên được chuẩn bị trước, nhưng để chuẩn bị thì có thể cho 2 đến 3 nội dung và có thể 2 nhóm hoặc 3 nhóm chuẩn bị một nội dung không nên đưa ra nhiều nội dung thảo luận quá (4) hoặc ít quá (1), nên chọn sao cho hợp lí tùy nội dung và thời gian trong tiết dạy. *Đối với học sinh: - Phải chuẩn bị nội dung trước ở nhà - Khi đến lớp có lệnh thảo luận phải nhanh chóng vào vị trí, phải biết dựa vào sách giáo khoa, kiến thức cũ đã học, lược đồ, biểu đồ, bài tập, câu hỏi để bàn bạc thảo luận. - Nhóm trưởng phải tôn trọng tất cả các ý kiến của các thành viên trong nhóm, phải làm sao (giảng giải, phân tích) cho các học sinh trung bình, yếu trong nhóm hiểu được vấn đề và có thể thay mặt nhóm lên trình bày trước lớp. - HS thảo luận nhỏ đủ nghe trong nhóm, không cãi và ồn ào, đi lại trong lớp, khi có hiệu lệnh hết thời gian thảo luận nhanh chóng quay về vị trí và tiếp tục chú ý theo dõi để tiếp thu kiến thức hoặc bổ sung thêm ý kiến * Trước khi thảo luận nhóm về một vấn đề (một nội dung cần phân tích, giải thích) nên cho mỗi cá nhân trong nhóm tự ghi ý kiến riêng vào phiếu học tập (hoặc giấy nháp riêng) rồi đưa ra thảo luận thống nhất ý kiến đúng. 3. Một số ví dụ minh họa. * Ví dụ 1: Tiết 33 Bài 16. Chính sách cai trị của phong kiến phương Bắc và sự chuyển biến của Việt Nam thời kì Bắc thuộc. Mục I: Chính sách cai trị của các triều đại phong kiến phương Bắc, phần 2: Chính sách bóc lột về kinh tế; phần 3: Chính sách đồng hóa. Bước 1: Giáo viên cho học sinh quan sát –Hình 16.3 ách áp bức, bóc lột của phong kiến phương Bắc và thông tin Sách giáo khoa. Bước 2: Chia lớp thành 6 nhóm, mỗi nhóm 3 bàn (tùy theo số lượng học sinh). Bước 3: Giáo viên cung cấp nội dung thảo luận cho học sinh (cứ hai nhóm 1 nội dung): + Nội dung 1: Nhóm 1,2: Em hãy cho biết những chính sách cai trị về kinh tế của chính quyền phong kiến phương Bắc đối với nước ta? +Nội dung 2: Nhóm 3,4: Em hãy cho biết những chính sách cai trị về văn hóa của chính quyền phong kiến phương Bắc đối với nước ta? +Nội dung 3: Nhóm 5,6: Tại sao chính quyền phong kiến phương Bắc thực hiện chính sách đồng hóa dân tộc Việt Nam? Sau khi kết thúc thời gian thảo luận, giáo viên mời đại diện nhóm báo cáo kết quả và cho nhận xét chéo. Cụ thể: Nhóm 1,2: trình bày nội dung 1: Nhà Hán: Chiếm ruộng đất, bắt dân ta cống nạp sản vật quý, giữ độc quyền về muối và sắt; Nhà Ngô và nhà Lương: Siết chặt ách cai trị, đặt thêm nhiều thứ thuế,; Nhà Đường: tăng thuế khóa và lao dịch nặng nề Nhóm 3,4: trình bày nội dung 2: Trong suốt thời kì Bắc thuộc, chính quyền phong kiến phương Bắc đều thực hiện chính sách đồng hóa văn hóa đối với dân tộc ta: Nho giáo, tư tưởng lễ giáo phong kiến Trung Quốc được tuyền vào Việt Nam; Cả ngàn năm Bắc thuộc, số người Việt được trọng dụng chỉ là thiểu số. Nhóm 5,6: trình bày nội dung 3: Chính quyền phong kiến phương Bắc thực hiện chính sách đồng hóa với dân tộc Việt Nam để âm mưu sáp nhập vùng lãnh thổ Việt Nam vào lãnh thổ Trung Quốc, đồng hóa dân ta thành một tộc người dưới sự cai trị của chính quyền phong kiến phương Bắc. Bước 4: Sau khi các nhóm trình bày xong, giáo viên cho nhận xét chéo. Cuối cùng giáo viên chốt lại vấn đề và cho học sinh ghi nội dung vào vở. * Ví dụ 2: Tiết 35 Bài 17: Đấu tranh bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thời Bắc thuộc. Bước 1: Giáo viên cho học sinh đọc mục I sách giáo khoa. Bước 2: Giáo viên giới thiệu hình ảnh 17.1, 17.2, 17.3. Bước 3: Giáo viên chia lớp thành 4 nhóm (8-9 em) cứ hai nhóm thực hiện một nội dung câu hỏi: Nhóm 1,2: Câu hỏi 1: Những biểu hiện nào cho thấy chính sách đồng hóa của các triều đại phong kiến phương Bắc đối với nước ta đã thất bại? Nhóm 3,4: Phong tục ăn trầu theo ghi chép của Lê Quý Đôn (tư liệu 17.3) có từ thời kì nào trong lịch sử Việt Nam? Hiện nay phong tục này còn không? Bước 4: Sau thời gian thảo luận, gọi đại diện nhóm trình bày kết quả. Các nhóm khác nhận xét. Nhóm 1,2: Trình bày nội dung: Người Việt giữ được phong tục tập quán của mình: + Người Việt vẫn nghe – nói tiếng mẹ đẻ. + Thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thần tự nhiên. + Nhuộm răng, ăn trầu, búi tóc, xăm mình, + Làm bánh chưng, bánh giầy. Nhóm 3,4: Trình bày nội dung: Phong tục ăn trầu cau có từ thời Văn Lang, Âu Lạc. Hiện nay phong tục ăn trầu và sử dụng trầu cau trong các dịp lễ, tết, các ngày trọng đại (hiếu hỷ...) vẫn được duy trì. Bước 5: Giáo viên đưa ra thông tin phản hồi những nội dung chính cần nắm. * Ví dụ 3 Bài 7: Lưỡng Hà cổ đại Bước 1: Giáo viên cho học sinh đọc mục I sách giáo khoa. Bước 2: Giáo viên giới thiệu hình ảnh 7.1, 7.2. Bước 3: Giáo viên cho học sinh thảo luận ghép đôi (2 học sinh cùng bàn) thực hiện một nội dung câu hỏi: Quan sát hình 7.1 và 7.2 kết hợp với kiến thức đã học, em hãy chỉ ra điểm khác nhau về điều kiện tự nhiên giữa Ai Cập cổ đại và Lưỡng Hà cổ đại? Bước 4: Sau thời gian thảo luận, 3-5 học sinh bày kết quả. Bước 5: Giáo viên đưa ra nhận xét, kết luận. Điểm khác nhau về điều kiện tự nhiên của Ai Cập và Lưỡng Hà. Ai Cập Lưỡng Hà Nằm ở phía đông bắc châu Phi, là vùng đất dài nằm dọc hai bên bờ sông Nin. Phía Bắc là vùng Hạ Ai Cập, nơi sông Nin đổ ra Địa Trung Hải. Phía Nam là vùng Thượng Ai Cập với nhiều núi và đồi cát. Phía đông và phía Tây giáp sa mạc. Sông Nin mang đến nguồn nước,nguồn lương thực dồi dào cho Ai Cập. Nằm trên lưu vực hai con sông Ti-gơ-rơ và Ơ-phơ-rát,ngươi Hy Lạp cổ đại gọi là vùng đất giữa hai dòng sông (Lưỡng Hà) Là bình nguyên rộng lớn, bằng phẳng, nhận phù sa hàng năm khi nước lũ lên. Không có biên giới thiên nhiên hiểm trở, đi lại dễ dàng, nên hoạt động buôn bán phát triển III. KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC Với ý thức vừa nghiên cứu đặc điểm tình hình học tập bộ môn của học sinh vừa tiến hành, rút kinh nghiệm. Ngay từ đầu năm học tôi đã định hướng cho mình một kế hoạch và phương pháp cụ thể để chủ động điều tra tình hình học tập của học sinh do lớp mình phụ trách cùng với việc vận dụng sáng kiến kinh nghiệm này, bản thân tôi đã đạt được một số kết quả khả quan. Đây chính là kết quả mà tôi đã đạt được trong quá trình giảng dạy. Cụ thể là: Năm học Thời điểm Số học sinh Học sinh tích cực Học sinh chưa tích cực 2022 - 2023 Trước khi áp dụng 248 165 (66.5%) 83 (33.5%) Sau khi áp dụng 248 211 (85.8%) 37 (14.2%) 2023 -2024 Trước khi áp dụng 224 153 (68.3) 71 (31.7 Sau khi áp dụng 224 197 (874) 27 (12.6) IV. KHẢ NĂNG NHÂN RỘNG Từ thực tế đó cho phép tôi suy nghĩ rằng: Trong giai đoạn hiện nay với việc thực hiện phương châm giáo dục: Lấy học sinh làm trung tâm (thầy là người dẫn dắt, gợi mở; trò là người chủ động lĩnh hội tri thức) và đặc biệt là sự phổ biến của phương pháp học tập: Tự học trong học sinh, thì phương pháp thảo luận nhóm không chỉ giới hạn trong dạy học lịch sử khối 6 mà còn có thể sử dụng ở các khối lớp 7, 8, 9, hơn nữa phương pháp này không chỉ sử dụng trong dạy học môn lịch sử mà cũng có thể vận dụng được trong qúa trình giảng dạy nhiều môn học khác. V. KẾT LUẬN - Vận dụng phương pháp thảo luận trong dạy học các bộ môn ở trường Trung học cơ sở nhằm phát huy tính tích cực, độc lập, sáng tạo của học sinh trong học tập để nâng cao hiệu quả của phương pháp dạy học tích cực, giáo viên cần hiểu rõ ý nghĩa, yêu cầu và các đặc điểm cơ bản của mỗi phương pháp. Đặc biệt là biết vận dụng các phương pháp một cách sáng tạo vào bài giảng để phù hợp với đối tượng và điều kiện dạy học cụ thể. - Phương pháp thảo luận nhóm có thể vận dung cho tất cả các môn học ở trường Trung học cơ sở cũng như đối với tất cả các cấp học, tùy theo bộ môn của mình mà giáo viên có thể áp dụng những phương pháp khác nhau. -Tuy nhiên như tôi đã nói: Trong dạy học không bao giờ tồn tại một phương pháp tối ưu mà bất kỳ phương pháp dạy học nào cũng tồn tại ở dạng hai mặt. Cho nên những vấn đề được trình bày ở trên cũng chỉ là một vài ý kiến của cá nhân tôi nhằm gúp phần vào việc cải tiến phương pháp trong dạy học lịch sử, chắc chắn sẽ không tránh khỏi thiếu sót. Tôi rất mong nhận được sự góp ý của các bạn đồng nghiệp để chúng ta cùng nhau từng bước hoàn thiện việc cải tiến phương pháp dạy học này và sử dụng một cách có hiệu quả nhất trong dạy học môn lịch sử ở trường Trung học cơ sở. Xin chân thành cảm ơn sự giúp đỡ của BGH nhà trường, quý đồng nghiệp, sự hợp tác của các em học sinh khối 6 trường THCS Hựu Thành A Hựu Thành, ngày 15 tháng 10 năm 2023 Duyệt của tổ chuyên môn Tổ phó Người thực hiện Nguyễn Thiện Hiền Ngô Thị Cẩm Hồng
File đính kèm:
sang_kien_kinh_nghiem_mot_so_kinh_nghiem_giup_hoc_sinh_thao.docx